Rối nước thu nhỏ hút khách du lịch

Rối nước thu nhỏ hút khách du lịch

“Chưa bao giờ thấy rối nước hay như thế”

Đó là chia sẻ của cô Génie – một thành viên của đoàn khách Pháp - sau gần 2 giờ đồng hồ xem rối, nghe rối, chạm vào rối và đang nhâm nhi món nem rán do chính tay vợ nghệ sỹ Phan Thanh Liêm vào bếp.

Génie cho biết đây là lần thứ 2 cô đến Việt Nam và là lần thứ 3 được xem rối nước. Hai lần trước, một lần cô được xem ngay tại Pháp trong chương trình giao  lưu văn hóa Pháp – Việt, và một lần tại Nhà hát Múa rối Thăng Long. Bị cuốn hút bởi những con rối uyển chuyển, khéo léo và vui tính, Génie rất hào hứng trước khi được đưa đến “nhà hát tại gia” sâu hút trong ngõ Chợ Khâm Thiên này. Nhưng những gì cô được thưởng thức còn nhiều hơn cả tưởng tượng.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm (phải) giới thiệu với du khách về nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam 

“Sân khấu bé đến mức mình chẳng còn khoảng cách nào với những chú rối, đó là một cảm giác đối thoại rất gần gũi, mà khán giả không còn là khán giả nữa. Sau đó thì tôi được chạm tay vào con rối và bắt đầu điều khiển nó.

Giống như Génie, 10 vị khách còn lại đều đang rôm rả, hào hứng trò chuyện với nhau về những bất ngờ và thú vị mà họ vừa trải qua.

“Nhà hát tư gia” của nghệ sỹ Phan Thanh Liêm nằm trên tầng 4 căn nhà, rộng chỉ vỏn vẹn hơn chục mét vuông, với một thủy đình mini chiếm 1/4 diện tích và chỗ ngồi đủ cho gần 20 khách. Không có bài trí gì trong phòng hát nhỏ, ngoài những chiếc ghế ngồi đơn giản và khóm tre ngà, đám bèo trôi trong thủy đình khiến nó trở nên khác biệt.

Phòng thậm chí còn không có cả điều hòa với lý do “khách Tây không thích như thế”. Phan Thanh Liêm đã phải từ bỏ ý định trang hoàng tiện nghi phục vụ khách khi các công ty lữ hành ký hợp đồng với anh cho rằng chiếc điều hòa sẽ làm hỏng cả không gian làng quê của cái sân khấu rối nước thu nhỏ này.

Một tour xem rối nước bắt đầu bằng chương trình độc diễn của Phan Thanh Liêm. Một mình ngâm nửa người trong nước lạnh sau tấm rèm nhung thủy đình, điều khiển cùng lúc 3-4 con rối với nhiều tích trò từ quê mùa đến thành thị, đến cả chuyện thời sự xã hội như đua xe, nhảy hip-hop… Những khán giả ngoại quốc lạ lẫm ngạc nhiên trước cách tạo hình con rối sống động, ngộ nghĩnh, rồi hú hét thích thú khi bị mấy anh chị rối đua xe phun nước tung tóe vào người.

Du khách quốc tế thích thú vì tự điều khiển được con rối.

Phan Thanh Liêm còn kỳ công thu âm tiếng côn trùng kêu đêm để dẫn khách bước vào không gian rối nước một cách tự nhiên như thể khách đang dự một hội làng đêm hè đích thực.

Sau nửa tiếng xem rối, khách được mời mang dây lưng nam siêu cấp bước vào thủy đình, cũng xắn quần xắn áo thử cầm vào bộ điều khiển, chạm vào con rối xem nặng hay nhẹ, thủ công hay điện tử mà dẻo dai, lanh lợi chẳng kém những con rô bốt hiện đại. Rồi sang phòng trưng bày rối của nghệ sỹ, nghe chuyện về từng con rối, về lịch sử của rối nước, về một phường rối nức tiếng một thời ở Nam Định – nơi nghệ sỹ được sinh ra trong một gia đình 7 đời theo  nghề rối nước, mà danh giá nhất là nghệ nhân Phan Văn Ngải, cha của Phan Thanh Liêm, chủ nhận của chú Tễu trong Bảo tàng Louvre Pháp.

Và cuối cùng là một bữa cơm do đích thân chủ nhà thết đãi với những món ăn Bắc bộ không thể trùng lặp hương vị ở ngoài Việt Nam.

Chị Thu Trà – hướng dẫn viên của đoàn – cho hay: “Một tour như thế này thường kéo dài từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng tùy theo nhu cầu tìm hiểu sâu kỹ của du khách. Chi phí đắt hơn so với việc mua vé vào nhà hát xem rối, nhưng các khách hàng của tôi đều rất hài lòng bởi chất lượng của tour bởi không khí thân mật, gần gũi, sự chu đáo, tận thụy của chủ nhà. Và nhiều giá trị văn hóa mà họ thụ hưởng được, ngoài nghệ thuật rối nước, như ẩm thực, như sinh hoạt, văn hóa thôn quê...”

Khách có hiểu về rối nước mới quay lại với rối nước

Bắt đầu sáng tạo mô hình sân khấu rối nước thu nhỏ từ năm 2000, nhưng hơn 1 thập kỷ, Phan Thanh Liêm mới tạo dựng được dần vị thế của loại hình này. Lợi thế của thủy đình mini gọn nhẹ và một mình độc diễn khiến những lời mời lưu diễn liên tiếp đến với anh từ Nga, Đức, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc... mặc nhiều sự phản ứng trái chiều từ giới chuyên môn. Sự chào đón nồng nhiệt của khán giả ngoại quốc cũng như Việt kiều xa quê khiến anh vững tâm hơn vào con đường mình đang đi.

Không chỉ được xem múa rối mà du khách còn được nghe kể về sự tích từng con rối. 

Anh cho biết việc đưa mô hình này vào phục vụ khách du lịch sẽ không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn có hiệu quả quảng bá tích cực nghệ thuật rối nước Việt Nam ra nước ngoài thông qua mỗi vị khách đến đây. Đó cũng là lý do anh làm chương trình tại nhà trong không gian nhỏ hẹp, chật chội để kéo khán giả lại gần, đồng thời kéo dài chương trình phục vụ khách đến hai tiếng đồng hồ để khách không chỉ được xem rối mà còn được hiểu rối, hiểu một cách tỉ mỉ và chi tiết. “Có hiểu thì mới yêu, có yêu thì mới tương tư để quay trở lại” – Phan Thanh Liêm hóm hỉnh./