Phan Thanh Liêm: Người tiên phong đưa thủy đình…về nhà

Phan Thanh Liêm: Người tiên phong đưa thủy đình…về nhà

“Nhà hát múa rối” mini trên tầng cao

Vào dịp cuối năm Nhâm Thìn, chúng tôi ghé thăm sân khấu rối nước mini của Phan Thanh Liêm đúng lúc anh đang diễn cho một nhóm du khách người nước ngoài. Màn đua xe máy bằng gỗ với những pha lạng lách và nẹt pô y như thật diễn ra giữa thủy đình mini trên tầng 4 ngôi nhà nằm khuất trong ngõ nhỏ phố chợ Khâm Thiên khiến không ít người thích thú reo hò.
 
“Diện tích tầng 4 hơi nhỏ, chỉ có thể chứa vài chục người xem nhưng không gian lại gần gũi, đậm chất dân gian với những con rối bằng gỗ. Không chỉ được xem biểu diễn múa rối, người xem có thể bước xuống nước điều khiển con rối hoặc thực hành làm rối, vẽ rối…”, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm vừa đưa tay quyệt mồ hôi trên trán vừa chia sẻ.
 
Theo Phan Thanh Liêm, ý tưởng độc diễn rối nước ngay tại nhà bằng sân khấu mini lắp ghép được anh ấp ủ từ lâu nhưng đến giờ mới có điều kiện phát triển. Dù mới ra mắt trong khoảng thời gian ngắn nhưng “nhà hát múa rối” trên tầng 4 của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đặc biệt được du khách nước ngoài ưa thích và nhận nhiều phản hồi tích cực từ các phương tiện truyền thông.
 
Về điểm khác biệt giữa sân khấu rối nước truyền thống với sân khấu rối nước của mình, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm cho biết: con rối truyền thống làm bằng gỗ sung, con rối được nối với một cây sào dài để người ở phía sau có thể điều khiển được. Với thiết kế này, một người chỉ có thể điều khiển được một con rối, như thế trong một trò diễn có 5 đến 7 nhân vật thì phải có 5 đến 7 người điều khiển. Sân khấu múa rối nước truyền thống đường kính có thể lên tới 10m, cộng với rất nhiều phông bạt để trang trí sân khấu nên không thể di chuyển đến các địa điểm để biểu diễn. Còn mô hình sân khấu rối nước của anh, con rối mới với thiết kế chỉ cần một người có thể điều khiển được nhiều con rối cùng một lúc. Sân khấu cũng nhỏ hơn, mái đình được cải tiến còn 1 mái, bể được thiết kế hình bán nguyệt và làm bằng các chất liệu cao su, có thể gấp gọn và di chuyển dễ dàng.
 
“Mô hình sân khấu thu gọn do tôi nghĩ ra và thực hiện. Khi đi biểu diễn chỉ một mình tôi đi, một mình tôi biểu diễn hết các tiết mục nên sân khấu của tôi được gọi "độc diễn rối nước”, anh nói.
 
Với mô hình sân khấu múa rối gọn nhẹ, có thể  ngồi trên sàn mà không cần ngâm mình dưới nước, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm mặc sức “tung hoành” với nhiều trò múa rối dân gian cho đến hiện đại như chọi trâu, đi cấy đi cầy, đua thuyền, múa rồng phượng, đặc biệt trò đua xe sống động được khán giả nhí yêu thích…
 
Không chỉ biểu diễn, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm mang ví nam siêu cấp còn trò chuyện giới thiệu cả lịch sử và những đặc trưng của người Việt sau những trò múa rối. Anh muốn quảng bá văn hóa Việt qua những hình ảnh ăn sâu vào tiềm thức như “Cây đa, bến nước sân đình” hay “tre vàng Thánh Gióng”
 
Tình yêu rối nước được hun đúc từ thơ bé
 
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm cho biết, sở sĩ anh có niềm đam mê mãnh liệt với rối nước vì được sinh ra trong một gia đình có truyền thống múa rối nước ở làng Rạch, tỉnh Nam Định. Ông cụ thân sinh ra anh là nghệ sĩ múa rối nước nổi tiếng Phan Văn Ngải- người đã sáng tạo ra thủy đình đang được sử dụng ở tất cả các nhà hát múa rối hiện nay, đồng thời là chủ nhân của chú Tễu trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp). Còn ông nội của anh chính là cụ trùm hội Phan Văn Huyên.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm biểu diễn trò đua xe
 
Trò đi cấy đi cầy
 
Được tiếp xúc với rối nước từ nhỏ cho nên Phan Thanh Liêm đã mày mò quan sát bố để tự làm cho mình những pho tượng gỗ bé xíu. Tuổi thơ trong ký ức của người nghệ sĩ này là những ngày cùng bố đi bộ gánh tượng, rối đến chợ Viềng bán. Lớn lên, anh bắt đầu đam mê rối nước sau những lần xem biểu diễn ở thủy đình làng và cùng đoàn rối của bố đi diễn trong Nam ngoài Bắc. Trong số 8 anh chị em, Phan Thanh Liêm mê rối nhất và đến giờ cũng chỉ có anh cùng hai người anh trai ở Nam Định là gắn bó với nghề.
 
Phan Thanh Liêm tâm sự, ý tưởng độc diễn của anh từng bị bố và nhiều người trong nghề ngăn cản. Trong suy nghĩ truyền thống thì rối nước là một môn nghệ thuật biểu diễn tập thể, bởi có những con rối lớn phải cùng một lúc mấy người điều khiển. Việc một mình biểu diễn với những con rối “tí hon” của Phan Thanh Liêm trở nên…viển vông, khó hình dung.
 
Dù bị ngăn cản nhưng với quyết tâm cải tiến và sáng tạo, anh đã cho ra đời mô hình độc diễn được đánh giá là độc đáo nhất trong làng rối Việt Nam. “ Tại Hội xuân – Du lịch – Văn hóa Việt Nam năm 2000, tôi chính thức ra mắt mô hình rối nước thu gọn của mình và nhận được nhiều sự quan tâm, thích thú của người xem. Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đến dự triển lãm cũng dừng lại trước mô hình rối nước và bắt tay tôi động viên”, người nghệ sĩ đặc sệt chất quê tiết lộ.
 
Ước vọng của người độc diễn múa rối
 
Cũng kể từ khi sân khấu múa rối mini ra đời, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm được mời đi lưu diễn ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa của Việt Nam và chu du nhiều nước như: Hàn Quốc, Italia, Ba Lan, Thái Lan, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản… Nơi đâu, tiết mục biểu diễn của người nghệ sĩ thuần chất “nhà quê” này cũng nhận được sự thích thú, những tràng vỗ tay ròn rã của khán giả.
 
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đang tạc những pho tượng, con rối
 
Tháng 4/2008, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm được Hiệp hội Rối thế giới (UNIMA) kết nạp thành viên.
 
Phan Thanh Liêm nói, chính vì nhận được nhiều sự quan tâm trong mỗi lần “xuất ngoại” nên anh càng có thêm động lực quyết tâm thực hiện mô hình sân khấu múa rối mini tại nhà. Ngoài những buổi biểu diễn, Phan Thanh Liêm cùng người thân còn sản xuất các con rối và tượng nhỏ để phục vụ cho các đoàn múa rối trong và ngoài nước, làm quà lưu niệm để bán. Những ai đã từng ghé thăm nhà anh thì ấn tượng ngay từ khi bước đến cửa trước hình ảnh những con rối, pho tượng đứng ngồi ngổn ngang đang trong quá trình hoàn thiện. 4 tầng nhà của anh cũng ngập tràn những con rối, pho tượng, đồ lưu niệm và ảnh, tư liệu về những chuyến biểu diễn…
 
Đi biểu diễn nhiều nơi, nhận được nhiều sự cổ vũ nhưng trong mắt người nghệ sĩ này vẫn còn nhiều sự trăn trở, đó là làm sao để nghệ thuật truyền thống  không bị mai một. “Rối nước bây giờ chỉ hấp dẫn với các bé mẫu giáo và khách nước ngoài trong khi giới trẻ lại thờ ơ. Nghệ thuật truyền thống đang mất dần sức hút với giới trẻ, không chỉ là thực trạng ở Việt Nam mà còn diễn ra ở nhiều nơi khác, anh chua chát.
 
Theo Phan Thanh Liêm, nghệ thuật truyền thống đang dần bị mai một cũng một phần do cách giáo dục, tuyên truyền. Tại các trường học, chưa có khóa học hay giáo trình về nghệ thuật dân gian, hay bản thân những người truyền đạt – thầy cô giáo cũng chưa nhận thức đúng mức về vấn đề này. Anh đưa ra dẫn chứng cụ thể: “Trước đây, con trai lớn của tôi là bé Phan Đức Duy rất thích công việc múa rối nước của bố. Nhưng chỉ sau một lần ở lớp cô giáo hỏi từng cháu về công việc của bố mẹ, khi Duy nói bố mình là nghệ sĩ múa rối thì cô giáo bật cười, các bạn cũng cười theo… Từ đấy, cháu không còn mặn mà với công việc của bố nữa”, anh buồn bã nói.
 
Không giữ “bí quyết gia truyền”, Phan Thanh Liêm khẳng định chỉ cần có lời đề nghị, anh sẵn sàng đem hết những bí kíp của nghề để truyền lại cho người có tâm với nghề. Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm mong mỏi mình không phải là người “độc diễn” duy nhất trong làng mùa rối Việt.

Nguyễn Hằng