Chủ của ngôi nhà và những tích trò múa rối đó là nghệ nhân Phan Thanh Liêm, người đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị múa rối truyền thống bằng cách riêng của mình: Thủy đình múa rối di động.

Đến sân khấu múa rối nước thu nhỏ của nghệ nhân Phan Thanh Liêm, vợ chồng du khách người Anh Steve Dart thể hiện rõ sự hào hứng, bởi những con rối và đạo cụ được chủ nhân bày biện như một không gian nghệ thuật sắp đặt. Nối những bậc cầu thang vào tầng 2 không khác gì một bảo tàng nghệ thuật múa rối thu nhỏ, có con rối được chế tác từ thời ông cha (dòng họ Phan, gốc ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, có 7 đời làm múa rối) để lại và những con rối do nghệ nhân Phan Thanh Liêm làm ra. Ở bảo tàng nhỏ này, khách vừa nhâm nhi trà xanh với kẹo lạc, vừa được nghe nghệ nhân nói chuyện về truyền thống nghệ thuật múa rối nước, về giá trị của những con rối... Lên tầng 4 của ngôi nhà là sân khấu thủy đình mini vừa đủ chỗ cho nghệ nhân Phan Thanh Liêm cùng các con rối trình diễn với những câu chuyện dân gian, đương đại, kể về lịch sử hào hùng của dân tộc như: Chú Tễu, Lê Lợi trả gươm, vinh quy bái tổ, múa lân, múa tiên, tứ linh...

Hà Nội hào hoa thanh lịch: “Tễu à Tễu ơi” đến với bạn bè quốc tế
    Nghệ nhân Phan Thanh Liêm với du khách quốc tế bên sân khấu múa rối nước thu nhỏ của mình. 

Mô hình sân khấu nhỏ này được nghệ nhân Phan Thanh Liêm mày mò thiết kế từ những năm 1990. Đến năm 2000, sân khấu rối nước mini “made in Phan Thanh Liêm” ra đời và đến năm 2001 ra mắt khán giả lần đầu tiên. Sân khấu nhỏ nhưng vẫn giữ nguyên được những yếu tố cơ bản của sân khấu rối nước truyền thống, gọn nhẹ, cơ động hơn nhiều: Toàn bộ thủy đình và bể nước chỉ rộng hơn 1m2, chứa khoảng 2-3m3 nước, con rối cao nhất chỉ 20cm và chỉ cần một người biểu diễn. Tất cả sân khấu, đạo cụ có thể tháo lắp dễ dàng trong khoảng thời gian ngắn và có thể xếp trong một chiếc hòm nhỏ, đèo gọn gàng trên xe máy. Với sân khấu rối nước thu nhỏ cơ động của mình, nghệ nhân Phan Thanh Liêm không chỉ dễ dàng đi biểu diễn phục vụ các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa mà còn liên tục mang đi nước ngoài, tới các quốc gia lưu diễn cả tháng trời, như: Canada, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... giới thiệu nét độc đáo của văn hóa Việt với bạn bè quốc tế.

Từ sân khấu nhỏ ở phố Khâm Thiên, nghệ nhân Phan Thanh Liêm đã mở rộng thêm một sân khấu thu nhỏ nữa trong ngôi nhà của gia đình ở phường Thạch Bàn (quận Long Biên). “Sau thời gian ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khách nước ngoài dần trở lại Việt Nam và họ tìm đến sân khấu của tôi. Có những hôm chúng tôi diễn 5-6 suất. Sân khấu ở Khâm Thiên có sức chứa 14-16 chỗ ngồi, còn ở Thạch Bàn đáp ứng được 40 khán giả. Do nhu cầu của khách đặt xem, cả gia đình tôi tham gia biểu diễn phục vụ. Tôi cũng truyền dạy cho các bạn trẻ, cộng tác viên để có thể diễn liên tục, giữ chân du khách”, nghệ nhân Phan Thanh Liêm chia sẻ.

Để lan tỏa giá trị nghệ thuật múa rối nước và mong muốn tìm truyền nhân, nghệ nhân Phan Thanh Liêm đã khởi động dự án “Tễu à Tễu ơi” với nhóm sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic TP Hồ Chí Minh và các nhóm sinh viên của Hà Nội. Dự án gồm phần triển lãm trực tuyến những thông tin, tư liệu và hiện vật được sử dụng trong bộ môn múa rối nước. Ngoài ra còn có phần trình diễn online những màn múa rối nước độc đáo, mang đậm bản sắc Việt từ bàn tay của nghệ nhân Phan Thanh Liêm. Nói về dự án này, nghệ nhân Phan Thanh Liêm cho biết, anh đặt trọn tâm huyết với hy vọng thắp lên ngọn lửa đam mê bộ môn truyền thống dân tộc trong lòng người trẻ.