Sân khấu rối nước thu nhỏ: Địa chỉ văn hoá mới của thủ đô
Sân khấu rối nước thu nhỏ: Địa chỉ văn hoá mới của thủ đô
Đưa rối nước gần hơn với công chúng
Căn nhà của nghệ sỹ Phan Thanh Liêm gồm 4 tầng. Mỗi tầng chỉ rộng chừng 30m2 và phần lớn diện tích đều dành cho nghệ thuật rối nước: Tầng 2 là nơi giới thiệu lịch sử rối nước, tầng 3 là địa điểm giới thiệu kỹ thuật chế tác quân rối. Nhưng điểm hấp dẫn nhất nằm ở tầng 4, nơi anh thiết kế hẳn một toà thuỷ đình, và cả mô hình chiếc ao làng thu nhỏ để biểu diễn rối nước. Bên tòa thủy đình còn có cả hình ảnh cây đa, khóm trúc, gợi lên không khí của làng quê Việt Nam. Buổi biểu diễn bắt đầu với âm thanh của làng quê, tiếng gà gáy, tiếng ếch ộp oạp... và rồi chú Tễu xuất hiện, giới thiệu về rối nước, giới thiệu về các trò biểu diễn. Những tích trò như: Chăn trâu thổi sáo, Múa tiên, Cày cấy... được thể hiện sinh động, hấp dẫn.
Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm bắt đầu khai trương biểu diễn sân khấu rối nước thu nhỏ tại gia đình từ cuối tháng 10/2012. Căn nhà của nghệ sỹ rối nước Phan Thanh Liêm nằm sâu trong ngõ Chợ Khâm Thiên. Nhưng không vì thế, công chúng yêu nghệ thuật truyền thống không tìm đến. Đặc biệt, nhiều vị khách du lịch quốc tế cũng đến đây, vừa khám phá Hà Nội một cách thực tế, vừa thưởng thức bộ môn nghệ thuật độc đáo của Việt Nam.
Ai cũng biết rối nước là nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Thủ đô Hà Nội có ba làng rối nước là: Đào Thục (huyện Đông Anh), Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), Bình Phú (huyện Thạch Thất). Nhưng không phải lúc nào công chúng cũng có dịp tiếp cận nghệ thuật này. Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm là con trai nghệ nhân Phan Văn Huyện, nghệ nhân rối nước nổi tiếng của nước ta. Điều anh luôn trăn trở là các cháu thiếu nhi ở Hà Nội rất hiếm khi có dịp xem biểu diễn rối nước. Vì thế, việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống rối nước, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm làm quen với quân rối từ bé. Anh luôn mong muốn có đất biểu diễn, để có thể đem nghệ thuật cổ truyền của dân tộc đến mọi người. Với suy nghĩ ấy, anh đã trăn trở tìm cách để có thể biểu diễn rối nước. Thông thường, biểu diễn rối nước phải có sân khấu phức tạp hơn các loại hình khác, do biểu diễn trên mặt nước. Đồng thời, mỗi buổi biểu diễn cần một ê-kíp gần 10 người mang túi xách nam siêu cấp mới có thể thực hiện. Cuộc sống ở thành phố không cho phép duy trì một đội biểu diễn như thế, càng không thể tìm đâu ra một toà thuỷ đình. Anh đã nghĩ ra cách "thu nhỏ" các quân rối, "thu nhỏ" toà thuỷ đình và luyện tập để có thể độc diễn. Trải qua nhiều thử nghiệm, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm đã thành công. Anh lựa chọn những tiết mục phù hợp với cho độc diễn để có thể phục vụ khán giả.
Sau một thời gian chủ yếu đem rối nước mini lưu diễn phục vụ các trường học, hay các ngày Tết Trung thu, Tết thiếu nhi cho trẻ em trên địa bàn thành phố, cùng một số chuyến lưu diễn ở nước ngoài, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm quyết định cải tạo nhà mình thành một "tổ hợp" rối nước. Anh tâm sự: "Tạo một địa chỉ ổn định là điều kiện để mọi người biết đến rối nước hơn. So với nhà hát rối nước, hoặc các phường rối, điều đặc biệt khi đến sân khấu rối nước thu nhỏ này là khán giả được tìm hiểu quân rối, quá trình làm ra con rối, hoặc có thể biểu diễn thử. Các cháu nhỏ và khách du lịch quốc tế rất thích thú khi được tự tay biểu diễn quân rối".
Nên cho thiếu nhi tiếp cận nghệ thuật truyền thống
Cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, nghệ thuật biểu diễn rối nước gặp nhiều khó khăn trong quá trình bảo tồn, phát triển. Từng nhiều lần biểu diễn rối nước phục vụ cho các em thiếu nhi, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm đã nhận ra một trong những nguyên nhân khiến nghệ thuật truyền thống mai một đó là do lớp trẻ không có điều kiện tiếp cận, thưởng thức nghệ thuật. Anh cho biết: "Khi được xem biểu diễn rối nước, các cháu học sinh đều hết sức thích thú. Nhiều cháu xem xong còn muốn tận tay cầm các quân rối. Điều ấy có nghĩa là nghệ thuật truyền thống vẫn có sức hấp dẫn. Song, không phải nhà trường, phụ huynh nào cũng có suy nghĩ là cần cho con em mình tiếp xúc nghệ thuật truyền thống. Theo tôi, tư duy này cần thay đổi. Nếu được biết đến nghệ thuật truyền thống từ nhỏ, khi lớn lên, các em sẽ thấy có ý thức trách nhiệm trong bảo tồn".
Cũng với lý do này mà sân khấu rối nước mini của Phan Thanh Liêm luôn dành sự ưu ái cho các em nhỏ. Anh cũng có những cải tiến nhất định để nghệ thuật rối nước đến với trẻ em dễ dàng hơn, trong đó, nổi bật phải kể đến tiết mục "Đua xe". Tiết mục này mô tả những thanh niên nam nữ đua xe, đánh võng trên đường phố nhằm phê phán một bộ phận giới trẻ. Tiết mục này được anh biểu diễn nhiều lần ở các trường học và được các thầy cô đánh giá đây là cách thức hiệu quả để, nhắc nhở các em tôn trọng luật giao thông.
Mỗi suất diễn tại sân khấu rối nước mini của Phan Thanh Liêm thường gồm 10 tích trò, kéo dài khoảng 30 phút. Sân khấu nhỏ nên anh cũng chỉ phục vụ được những nhóm khách không quá 30 người. Tuy nhiên, lúc nào anh cũng hết sức bận rộn. Bởi lẽ, chưa có đoàn khách nào xem hết 30 phút diễn là ra về, bởi họ còn dành thời gian để tìm hiểu, để biểu diễn thử. Nhất là các cháu nhỏ ra sức vặn vẹo nghệ sỹ. Vất vả, nhưng anh vui vì đã góp phần tạo thêm một không gian nghệ thuật truyền thống cho công chúng và cho khách du lịch khi tới thủ đô./.